lehung-autodaily
Administrator
Chúng tôi say đắm vẻ đẹp của mùa xuân vùng cao và căng mỏi khi đổ đèo đêm trong thời tiết mưa mù.>> “Phượt” xe máy ở thị trấn mù sương>> Cùng Toyota Fortuner vượt cao nguyên đáTừng cung đèo đã lần lượt bị chinh phục bởi những "chú ong" nhỏ bé nàyChính thức khởi hànhNgày 19/2 đoàn chúng tôi chính thức khởi hành đi ngược dốc lên miền đá Hà Giang. Hà Nội tiễn chúng tôi bằng những cơn mưa phùn của mùa xuân. Ba chiếc xe nối đuôi nhau nhanh chóng qua cầu Thăng Long rồi lên Việt Trì và hội ngộ cùng một đoàn bạn ở Tuyên Quang.Cung đường Hà Nội – Hà Giang đã quá quen thuộc, chúng tôi mải miết chạy theo quốc lộ 2 vốn đã xuống cấp do phải oằn mình chịu nhiều xe trọng tải lớn. Là con đường huyết mạch ngắn nhất để lên miền đá. Mặt đường xấu, nhiều ổ gà, có những đoạn gần như là bùn lầy làm tốc độ di chuyển của đoàn chậm lại khá nhiều, đến mức một thành viên của đoàn đã phải thốt lên rằng đi đường quốc lộ mà cứ như đi off-road vậy.Qua thành phố Tuyên Quang chừng dăm chục cây thì đường đẹp hơn rất nhiều, lưu lượng người và phương tiện ít hơn. Con đường uốn mình qua từng sườn núi, hai bên là những cánh rừng với đủ màu của cây cỏ. Có những cây đã rụng hết lá chỉ còn trơ trụi lại cành gốc, có cây lại lên lộc non xanh mơn mởn, cũng có cả đào, mận nở rực cả một góc rừng. Khi gần đến Hà Giang, phía bên trái là núi, bên phải là dòng Lô lịch sử chảy chậm qua từng con thác nhỏ. Mùa này nước sông trong xanh đến lạ kỳ, một màu xanh ngọc bích của miền núi.Hơn ba trăm ki lô mét đã bị chinh phục bởi vệt bánh của những “chú ong pạch pạch”. Thành phố Hà Giang đón chúng tôi bằng trận mưa rào thật lớn vào đêm khuya, cơn mưa như rửa sạch mọi thứ. Sáng thức dậy, đường phố trở nên sạch hơn, cây cối xanh non hơn. Không khí lạnh ùa về làm chúng tôi thêm phấn chấn. Sau chầu ăn sáng bằng món bánh cuốn trứng đặc sản nơi đây, chúng tôi lại cùng ba chú ong lại nổ máy ngược dốc lên Đồng Văn.Xuân vùng caoMặt đường ẩm ướt bởi sương mù, những khúc cua tay áo, những con dốc cao dài mang lại nhiều phấn khích cho đoàn. Vespa cổ vốn sinh ra không phải để leo núi, để ôm cua đổ đèo. Nó sinh ra để đi đường phố, cũng dễ nhận ra điều đó bởi dáng vẻ cổ điển mang chút màu sắc quý tộc. Bánh xe nhỏ, hệ thống phanh tang trống kiểu cũ, điều chỉnh số ở tay và đặc biệt không dùng xích đai truyền động làm cho mọi người nghĩ rằng nó không thể leo nổi những con dốc đầu tiên của miền cao nguyên là Bắc Sum. Nhưng thực tế, chúng tôi đã leo lên khá dễ dàng, sử dụng số hợp lý, cùng với xử lý côn đúng lúc làm cho chiếc xe lướt đi một cách êm ái. Tất nhiên, không thể so sánh tốc độ lên dốc của dòng 2 thì cổ lỗ sĩ này với dòng 4 thì như cào cào hay các dòng xe phổ thông hiện nay được.Cả đoàn tại cột mốc số 0 Hà GiangTừ dốc Bắc Sum ngược lên cổng trời Quản Bạ thực sự là thử thách lớn nhất của đoàn sau chặng đường hơn 2000km từ miền Nam ra đất Bắc. Suốt hành trình đó, hai thành viên đã chọn cho mình con đường Hồ Chí Minh lịch sử để di chuyển, cung đường khá đẹp với mặt đường nhựa phẳng mịn, không có quá nhiều khúc cua hay lên dốc. Trên lộ trình đó, hai chú ong đã rẽ vào đường tây Trường Sơn để thử sức mình một chút, xem như là “đề mô” cho những ngày sau. Gặp nhau ở Hà Nội, tôi hỏi hai thành viên rằng đi đoạn đó thế nào, họ nói rằng thích lắm vì được lên đèo xuống đèo. Để hôm nay, tôi vẫn hỏi hai bạn đó cảm giác ngược đèo thế nào thì nhận được câu trả lời là “phê quá anh ơi, bọn em say đèo mất rồi”.Cổng trời Quản Bạ mù sương trong khi thung lũng núi đôi Tam Sơn lại hửng nắng nhẹ, điều đó làm cho tầm nhìn xuống thung lũng được xa hơn. Từ điểm dừng chân nơi lưng chừng đèo, có thể ngắm được cả thị trấn Tam Sơn nằm lọt mình giữa những triền núi đá bao quanh. Nổi lên rõ nhất là núi đôi cô tiên được tôn lên bởi xung quanh là những ruộng cải vàng trắng tím sặc sỡ. Có lẽ, ở miền xuôi, xuân đến khi mưa bụi bay lất phất, chồi non bắt đầu nhú sau kỳ ngủ đông dài, lòng người khoan khoái hơn, thì ở đây xuân là những sắc màu đắm say của núi rừng.Nếu như ở đoạn Quyết Tiến (Quạn Bạ) cả đoàn đã reo vang khi gặp bên đường là những cây đào cổ thụ nở đầy hoa thắm, trên đó còn động lại sương của buổi sớm mai thì đoạn đường từ Tam Sơn lên Đồng Văn làm cho chúng tôi khi khi nào “ngậm chặt miệng” lại được. Bởi một lẽ rằng, dường như cả mùa xuân đang ùa về và đi theo ba chiếc vespa pạch pạch này vậy.Từ Phố Cáo lên Sùng Là rồi qua Sà Phìn hai bên đường được tô màu sặc sỡ bởi sự đỏ thắm của đào rừng, trắng tinh khôi của mận, vàng rực rỡ của đám cả cánh đồng cải, và thật thiếu sót nếu không thêm vào đó là những ngôi nhà trình tường với hàng rào đá đã rêu phong theo tháng ngày. Có lúc tôi đã ngỡ rằng mình đang đi lạc giữa rừng hoa anh đào của đất nước Nhật Bản vậy. Nhưng không phải, đó hoàn toàn là Hà Giang, là miền sơn nước nơi địa đầu cực bắc tổ quốc. Người dân tộc Mông cũng thật khéo léo và tài tình thật.Nếu họ chỉ trồng đào xung quanh nhà mình thôi thì cũng đã đẹp lắm rồi, bởi màu đỏ của sắc đào quyện với màu vàng của tường nhà, thêm chút khói bếp bay lên thật nhẹ trong sương mù nữa. Chừng đó thôi cũng đã khiến những kẻ lãng du qua đây phải ngã gục. Nhưng thật “ác” là anh họa sĩ người Mông này lại “vẩy bút quá tay” khi xen vào đó là những cây mận trắng, cả vườn cải vàng, cải trắng, cải tím nữa. Thử hình dung mà xem. Đỏ thắm của đào xen lẫn trắng tinh khôi của mận, sắc vàng tím của cái trước nhà…có anh họa sĩ nào vẽ nổi lên giấy những gam màu đó không? Dường như cả mùa xuân đất nước đang nằm hết ở đây vậy.Chúng tôi bị say bởi vẻ đẹp của mùa xuân miền núiTừ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, từ trầm trồ này đến hết lời khen khác. Chúng tôi đi qua những thung lũng đào mận như thế mà chẳng vội vã. Thả mình thật chậm, nghe rõ tiếng “pạch pạch” của những chú ong già cỗi, để cảm nhận rằng đất nước mình thật đẹp. Miền đá Hà Giang luôn là nàng tiên bí ẩn nằm nép mình nơi đây. Từng con dốc, cung đèo được vượt qua không khó khăn. Có lẽ liều thuốc cảnh sắc thiên nhiên đã làm chúng tôi phấn khích đến tột cùng mà quên đi rằng dốc lên Đồng Văn là quá sức với vespa cổ.Đêm căng mỏiTrời tối dần khi chúng tôi qua Sủng Là, bỏ lại đằng sau những thung lũng hoa sặc sỡ mà thanh tao, bỏ lại đằng sau những xúc cảm đến tột cùng khi cảm nhận về mùa xuân vùng cao. Trước mắt chúng tôi là hơn 20km đường đèo dốc trong đêm tối. Đã thế, Sà Phìn còn tặng chúng tôi màn sương mù dày đặc kèm theo mưa nhỏ. Dường như không ai chớp mắt nổi trong điều kiện thời tiết và đường xá như thế. Bên trái là núi đá cao dựng đứng, bên phải là vực sâu hun hút, chỉ còn con đường bé nhỏ ở giữa vắt vẻo theo từng triền núi. Và chúng tôi đã đi giữa con đường đó, đã ngược dốc lên Đồng Văn với sương mù dày đặc, với những cơn gió lạnh đến giật mình vẫn thổi đều lên từ khe núi, với mưa nhỏ và cả đèn không quá sáng nữa.Quả thật, giờ thì ai cũng ngẫm ra rằng, vespa không dành cho đi đèo đêm chút nào cả. Đèn tối do sử dụng điện “ma vít” đã cổ lổ sĩ, bánh xe nhỏ, lại chở thêm nhiều đồ đạc, giảm xóc sau đơn đã cũ, máy lệch bên… tất thảy những điều đó làm cho việc điều khiển chúng trong tiết trời mưa mù rét trở nên “thú vị” hơn rất nhiều. Mắt căng mỏi, tay ghì chặt, chân luôn thường trực đạp phanh, số đảo liên tục, côn cắt nhả liên hồi, toàn thân xóc nẩy khi qua ổ gà, đường rãnh…Để khi thấy ánh đèn vàng vọt từ thung lũng Đồng Văn hắt lên thì cả đoàn chúng tôi vỡ òa sung sướng.Chặng đường đèo dốc, mưa mù đã hằn vệt bánh vespa của chúng tôi. Ngoái lại nhìn, trời một màu đen của đêm miền núi nhưng ai trong chúng tôi cũng thấy cả thung lũng hoa đào mận trước mặt. Có lẽ nó đã quá in sâu vào tâm trí mỗi người mất rồi. Xuân vùng cao là như thế đó…Đồng Văn đón chúng tôi bằng thời tiết hanh khô, không có mưa nhưng vẫn có một chút mù. Gió lạnh vẫn thổi từng cơn qua kẽ ngói còn hở của phiên chợ cũ đã nhuốm màu thời gian. Cả đoàn ngồi đó nghĩ về ngày tháng cũ với phiên chợ đã trở nên một phần của miền sơn cước này. Giấc ngủ không mộng mị sẽ là sức mạnh để ngày mai chúng tôi chinh phục cực bắc Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng huyền thoại…Theo Trần Giáp (AutocarVietnam)